Từ Mảng bám Sinh học đến Bệnh về nướu
Mảng bám sinh học là một lớp nhờn mỏng chứa vi khuẩn bám trong khoang miệng như trên mặt lưỡi, nướu và răng. Ai cũng có mảng bám sinh học này, ngay cả người chịu khó chải răng, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng đều đặn nhất, vì mảng bám dính này bám vào hầu hết mọi bề mặt ẩm ướt (trong thiên nhiên cũng thế, chẳng hạn lớp phủ trơn trượt trên đá hay vỏ tàu nhơn nhớt).
Khi chải răng, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng thường xuyên, bạn có thể hạn chế được mảng bám sinh học này. Nhưng khi không có thói quen chải răng, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng đều đặn, mảng bám sinh học có thể tích tụ thành lớp dày và hình thành mảng bám có thể thấy bằng mắt thường (thông thường có màu vàng nhạt).
Mảng bám sinh học dày có thể gây kích ứng cho nướu khiến cơ thể phản ứng gây viêm nướu. Từ đó nướu tấy đỏ và sưng phồng, thay vì có màu hồng tự nhiên và chắc khỏe. Nếu không điều trị, viêm nướu - thời kỳ đầu của bệnh về nướu - vốn hoàn toàn có thể khắc phục được khi có hành động kịp thời, có thể tiến triển thành bệnh về nướu nghiêm trọng, tên chuyên khoa là nha chu, có thể viêm nhiễm đến tận xương.